Công nghệ 4.0, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 hay cách mạng 4.0 là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, y tế, giáo dục, công nghiệp… Nói một cách khác, công nghệ 4.0 bùng nổ vào đầu thế kỷ 21 đã tạo ra làn sóng dữ dội, bao phủ và làm chuyển biến tích cực mọi lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội.
“Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên từ một báo cáo của chính phủ Đức vào năm 2013, nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.
Hiểu một cách đơn giản, Công nghiệp 4.0 là sự thông minh hóa quá trình sản xuất và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo. Đây được xem như “công cụ đắc lực” của các quốc gia trên thế giới để phát triển đất nước, cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh của mình trên trường quốc tế.
Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự góp mặt của nhiều nước và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nếu cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự tổng hòa, kế thừa và sáng tạo một cách hoàn hảo khi kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đó là lí do, từ khóa công nghệ 4.0 luôn là đề tài được bàn luận trong mọi mặt của đời sống xã hội.
“Cách mạng công nghiệp 4.0” một thành quả của nhân loại mở ra một kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Sau 3 cuộc cách mạng tiên phong, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở màn một cách ngoạn mục khi cho ra đời hàng loạt công nghệ thông minh áp dụng công nghệ 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển dựa trên 3 trụ cột chính đó là vật lý, công nghệ sinh học và kỹ thuật số. Kết hợp tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã giúp xóa nhòa mọi ranh giới giữa vạn vật. Cuộc cách mạng này đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên thế giới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ số, từ các cuộc cách mạng vang dội trong lịch sử, cách mạng lần thứ 4 được nâng cấp lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự hỗ trợ đắc lực của Internet đã cho ra đời các thiết bị công nghệ thông minh, hữu ích cho đời sống xã hội. Công nghệ 4.0 giúp các doanh nghiệp linh hoạt hơn trong quá trình sản xuất với chuỗi cung ứng theo mô hình thông minh, từ đó cho ra đời các sản phẩm chất lượng, giá thành rẻ, tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Đặc biệt cuộc cách mạng 4.0 đã trao quyền cho các chủ doanh nghiệp kiểm soát và hiểu rõ hơn mọi khía cạnh hoạt động của họ, cho phép tận dụng dữ liệu tức thời để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng. Từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao mức thu nhập cho người lao động, đất nước và rộng hơn là toàn nhân loại.
Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống giáo dục đã có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Với cuộc cách mạng 4.0 nổ ra trên toàn cầu , mọi người kết nối với nhau thông qua internet, chính vì lý do đó mà quá trình trao đổi tri thức, tiếp cận tri thức, sự phổ cập của tri thức mới, giữa người thầy và người học phải được đổi mới để theo kịp được xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay. Sự ra đời của các thiết bị thông minh, smart phone, máy tính… giúp con người tiếp cận nhanh với tri thức, rút ngắn khoảng cách tiếp cận tri thức mới với người học.
Giáo dục trong kỷ nguyên số 4.0 là quá trình chuyển đổi giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Sự vươn lên và phổ biến của IOT (Internet vạn vật) đã giúp người học chủ động tiếp cận nguồn tri thức khắp mọi lĩnh vực chỉ với 1 chiếc smartphone có kết nối Wifi. Vai trò người thầy đã có sự thay đổi từ người giảng dạy theo cách truyền thống (đọc và chép) sang người hướng dẫn, định hướng nhằm phát huy tối đa tư duy sáng tạo, chủ động của học sinh.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội đồng thời là thách thức đối với ngành giáo dục. Với sự vận dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 thì người học ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện của nhà trường để tự học, tự nghiên cứu. Như vậy, không thể chỉ tồn tại mô hình thư viện truyền thống mà các trường phải xây dựng được thư viện điện tử. Hoặc chúng ta sẽ có những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến không cần lớp học, người học sẽ được hướng dẫn học qua mạng. Những lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo có tính mô phỏng, bài giảng được số hóa và chia sẻ qua các trang mạng xã hội như Facebook, meeting, zoom… sẽ trở thành xu hướng phát triển mới trong quá trình hội nhập số để tiến gần hơn với mục tiêu phát triển và xây dựng công dân toàn cầu – công dân số.
Cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ, dữ dội và chưa có hồi kết, ngành Y tế chắc chắn cũng không thể đứng ngoài cuộc đua đó. Bởi công nghệ 4.0 trong y tế là đặc biệt quan trọng và cần thiết, không chỉ hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong điều trị và chẩn đoán tình trạng bệnh mà còn giúp người dân phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe một cách tối đa khi tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng.
Minh chứng rõ nét nhất là đợt dịch Covid -19 vừa rồi, công nghệ 4.0 đã hỗ trợ đắc lực trong việc khai báo y tế. Truy xuất nguồn lây lan giúp cho công tác phòng chống dịch của Việt Nam đạt được thành công. Hay phần mềm khám bệnh trực tuyến tại nhà đã được triển khai. Giúp người dân không phải đến bệnh viện mà vẫn được chẩn đoán bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa 24/7.
Bên cạnh đó, công nghệ 4.0 trong y tế thông qua trí tuệ nhân tạo AI giúp phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, đội ngũ y bác sĩ dễ dàng hơn trong việc thu thập và xử lý dữ liệu, hỗ trợ chẩn đoán, nghiên cứu, đánh giá kết quả, đưa ra phương pháp hay phác đồ điều trị cho từng trường hợp cụ thể…Một số bệnh viện lớn trên thế giới còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào y tế thông qua Robot để hỗ trợ các ca phẫn thuật đạt độ chính xác cao thay cho con người.
Khác với khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 là sự thay đổi phương thức quản lý mà ở đó người nông dân không cần xuất hiện trực tiếp tại vùng sản xuất nhưng vẫn làm tăng năng suất sản lượng đáng kể so với cách trồng nông nghiệp kiểu cũ.
Công nghệ 4.0 được áp dụng trong nông nghiệp mang lại những dấu hiệu tích cực. Điển hình là việc ứng dụng điện toán đám mây nhằm cung cấp sản phẩm đầu ra chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Công nghệ 4.0 dùng Internet kết nối vạn vật (IOT) sẽ là cánh cửa giúp khai phá nền nông nghiệp trong tương lai. Một số khâu hay có thể là phần lớn các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ được tự động hóa, thay thế sức lao động của con người.
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng quá trình thu hoạch, vận chuyển và xuất khẩu nông sản lại khá “nghiệp dư”, thường làm hư hại khoảng 40% sản phẩm nông sản, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế. Không chỉ vậy, hàng hóa gia công, thủy hải sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài thường bị trả về do thời gian vận chuyển kéo dài lâu, hàng hóa bị va đập và không chịu được sự thay đổi môi trường, dẫn đến hư hỏng không sử dụng được, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc đưa công nghệ 4.0 áp dụng điện toán đám mây trong vận chuyển nông sản là rất cần thiết, giúp kiểm soát được nhiệt độ trong xe; bảo quản đồ tươi như trái cây, rau củ quả; tránh cho thủy sản không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Nói về công nghệ 4.0 trong nông nghiệp thì không thể không nhắc đến cái tên mang đầy sức mạnh – SmartChick. Phần mềm này sẽ phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Với thiết bị này thì dù bạn là bất cứ ai, bất kỳ ở lứa tuổi nào cũng có thể chăn nuôi gà một cách dễ dàng, thu được sản phẩm chất lượng mà không phải lo nghĩ đến kiến thức cũng như kinh nghiệm chăn nuôi, bởi SmartChick đã thay bạn làm điều đó. Đây chính là một trong những ứng dụng đặc biệt khi áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp.
Trong xã hội ngày càng phát triển đặc biệt là công nghệ 4.0 ngày càng phổ biến và dễ dàng sử dụng hơn, do đó việc áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp sẽ không còn là bài toán khó đối với đại đa số người dân thuần nông. Trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng thành công được nền nông nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp như Hàn Quốc, Nhật Bản hay một số nước có một nền nông nghiệp tương đương với nước ta như Brazil, Malaysia, Philippines…